Trả lời của phòng mạch online:
Rượu tắc kè:
- Tắc kè còn có tên gọi là đại bích hổ, cáp giải, cáp giới. Tên khoa học là Gekko gekko L họ tắc kè. Bạn đừng nhầm với con thằn lằn (thạch sùng). Nó dài hơn con thằn lằn, đầu, lưng, đuôi đều có vẩy nhỏ nhiều sắc màu từ xanh lá mạ đến xanh rêu. Đuôi tắc kè có thể coi là bộ phận qúi nhất. Nếu bạn bắt nó, nó có thể rụng đuôi rồi mọc lại.
Theo sách cổ thì tắc kè là vị thuốc quí tương đương với nhân sâm. Thường được dùng trong những trường hợp bất lực ở đàn ông. Khi dùng phải dùng 1 đôi (một đực một cái mới công hiệu). Ngoài ra tắc kè còn là vị thuốc bổ phế, dùng để chữa các chứng ho lâu ngày không hết.
Phương thuốc: Tắc Kè (1 đực, 1 cái) 50g, đảng sâm 80g, huyết giác 10g, trần bì 10g, tiểu hồi 10g, đường cát 40g, rượu nếp 400 2 lít.
Cách bào chế:
Dùng tươi: Chặt bỏ đầu từ 2 mắt trở lên, bỏ 4 bàn chân, lột da, mổ bụng, bỏ nội tạng, nướng thật vàng thơm, nhớ giữ còn đuôi.
Dùng khô: Mổ bụng, bỏ hết phủ tạng, lau sạch bằng giấy bản tẩm rượu. Đem phơi hay sấy khô.
Khi dùng nhúng vào nước sôi, cạo sạch lớp vảy ở lưng, chặt bỏ đầu từ dưới 2 mắt trở lên và 4 bàn chân. Tẩm rượu (hoặc mật ong) nướng cho vàng đều. Ngâm 2 con trong 1 lít rượu gạo 40 độ, cho các vị thuốc đã nói ở trên vào,chôn dưới đất 100 ngày (bách nhật) để cân bằng âm dương rồi mới đào lên. Sau đó lọc bỏ bã, cho vào chai thủy tinh, đậy nút kín
Cách dùng: Mỗi lần uống 1 ly nhỏ (30ml). Ngày 3 lần trước bữa ăn.
Công dụng: Bổ phế, bình suyễn, bổ thận tráng dương.
Chủ trị: Thận dương suy kém, đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, hen suyễn (thể hư hàn).
Rượu rắn (Tam xà tửu)
Dùng 3 con rắn ngâm rượu nên gọi là tam xà tửu. Rắn hổ mang còn gọi là hổ lửa, hổ phì. Nó có thể dài tới 2 mét, nọc của nó rật độc. Trên cổ có 2 điểm trắng giống như đeo kính nên còn gọi là rắn mắt kính. Rắn cạp nong có thân dài từ 1m7 đến 2 mét. Trên thân có từ 24-27 khoang màu đen và vàng xen kẽ. Rắn ráo còn gọi là hổ chuối. Trong tam xà thì con rắn ráo không độc.
Cách làm: rắn hổ mang 01 con, rắn cạp nong 01 con, rắn ráo 01 con + hà thủ ô đỏ 80g, Cẩu tích 80g, Kê huyết đằng 120 g, Ngũ gia bì 80g, Thiên niên kiện 80g, Trần bì 30g, đường 600g, Rượu nấu từ gạo 5 lít.
Cách chế biến cũng qua nhiều công đọan sử lý từng con rắn và từng vị thuốc. Đầu tiên ngâm các vị thuốc với rượu để chiết hết các chất trong 10 ngày. Lược bỏ bã. Rắn được chặt đầu, lột da tẩm gừng , rượu rồi sấy khô, tán bột mịn. Cho bột rắn vào trong rượu đã chiết các vị thuốc ngâm 100 ngày, lọc, ép hết rượu, bỏ bã. Hoặc để nguyên 3 con rắn làm sạch, chặt đầu trông sẽ "cụ thể" hơn. Đường nấu tan chảy đổ vào 5 lít nước hòa với rượu ở trên thành 10 lít. Cho vào bình thủy tinh đậy nút kín.
Uống tam xà tửu ngày 3 lần, mỗi lần 01 chén hạt mít, trước bữa ăn
Công dụng: Rượu tam xà tửu chữa tê thấp và đau nhức khớp xương, nhức gân, cơ, bán thân bất toại, chân tay đổ mồ hôi. Còn dùng cho người già yếu, lao động nhiều, đau nhức gân xương khi thời tiết thay đổi.
Lưu ý : Phụ nữ có thai không dùng.
Rượu rết:
- Con rết còn có tên là ngô công, thiên long, bách túc, bách cước. Chúng sống ở dưới những khúc gỗ mục, các hòn đá, mái nhà mục nát.
Con rết có 2 chất độc gần giống nọc ong, có tính phá huyết.
Theo Đông y : con rết vị cay, tính ôn, có độc, vào kinh can. Tác dụng khử phong, trấn kinh, giải độc rắn cắn. Dùng rượu rết bôi lên mụn nhọt có tác dụng tiêu nhọt, trừ viêm. Rượu rết xoa bóp khi bị đau nhức sẽ đỡ rất nhanh
Nếu có điều gì chưa hài lòng bạn có thể gửi thư đến TTO, chúng tôi sẽ giải đáp tiếp
BS LÊ THUÝ TƯƠI
(theo tuoitre.vn)