Ba Kích Tím một loại Sâm quý
Ba kích tím còn có tên gọi khác: Ba kích (Bản Thảo Đồ Kinh), Bất điêu thảo (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Ba cức, Diệp liễu thảo, Đan điền lâm vũ, Lão thử thích căn,..., Dây ruột gà (Việt Nam)..., tên khoa học Morinda officinalis How, là cây loại thảo, leo bằng thân quấn, sống lâu năm, mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, quả hình cầu, khi chín mầu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh.
Vị thuốc Ba kích tím là rễ củ của cây. Củ Ba kích tím có thể đào quanh năm, nhưng thường được lấy vào mùa thu, đông. Sau khi đào về, rửa sạch đất cát, cắt thành từng đoạn ngắn, được phơi hoặc sấy khô. Rễ cây có nhiều chỗ đứt để lộ ra lõi nhỏ bên trong.Vỏ ngoài mầu nâu nhạt hoặc hồng nhạt, có vân dọc, bên trong là thịt mầu hồng hoặc tím.
Ba kích tím có vị cay, ngọt, tính hơi ôn, không độc, một loại dược liệu quý có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, khử phong thấp, giảm xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng sinh lý nam giới... Do vậy, ba kích dùng để chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau.
Đối với những bệnh nhân nam có hoạt động sinh dục không bình thường, Ba kích tím có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu và thưa. Ba kích tím có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, mặc dầu nó không làm tăng đòi hỏi tình dục, không thấy có tác dụng kiểu Androgen. Tuy không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như điều trị vô sinh cho những nam giới có trạng thái vô sinh tương đối và suy nhược thể lực.
Đối với cơ thể những người tuổi già, bệnh nhân biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý gây nên và 1 số trường hợp có đau mỏi các khớp, Ba kích tím có tác dụng tăng lực rõ rệt, thể hiện qua những cảm giác chủ quan như đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân nặng, tăng cơ lực. Còn đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp thì sau khi dùng Ba kích dài ngày, các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt
Có thể nói, Ba kích tím là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng để chữa các bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Nhiều nơi, người ta còn đào củ Ba kích tím về nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe. Trong Đông y hiện đại, ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương. Tuy nhiên, cần chú ý, những người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón không được dùng.
Một số bài thuốc quý sử dụng chủ vị là Ba kích tím
Trị liệt dương, ngũ lao, thất thương, ăn nhiều, hạ khí: Ba kích tím, Ngưu tất (sống) đều 3 cân ngâm với 5 đấu rượu, uống.
Trị mộng tinh: Ba kích tím + Bá tử nhân + Hoàng bá + Liên tu + Lộc giác + Phúc bồn tử + Thiên môn + Viễn chí.
Bổ thận, tráng dương, tăng trưởng cơ nhục, dưỡng sắc đẹp: Ba kích tím (bỏ lõi ) 60g, Cam cúc hoa 60g, Câu kỷ tử 30g, Phụ tử (chế) 20g, Thục địa 46g, Thục tiêu 30g. Tán bột, cho vào bình, ngâm với 3 lít rượu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 - 20ml, lúc đói.
Trị phụ nữ tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ: Ba kích tím 120g, Lương khương 20g, Tử kim đằng 640g, Thanh diêm 80g, Nhục quế (bỏ vỏ)160g, Ngô thù du 160g. Tán bột. Dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20 hoàn với rượu pha muối nhạt.
Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn: Ba kích tím 60g, Ngưu tất 120g, Khương hoạt 60g, Quế tâm 60g, Ngũ gia bì 60g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Can khương (bào) 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm.
Trị bụng ứ kết lạnh đau, lưng đau, gối mỏi, 2 chân yếu, khớp xương đau, chuột rút, thận hư, liệt dương: Ba kích tím 18g, Đương quy 20g, Khương hoạt 27g, Ngưu tất 18g, Sinh khương 27g, Thạch hộc 18g, Tiêu 2g. Giã nát, cho vào bình, thêm 2 lít rượu vào, đậy kín, bắc lên bếp, nấu 1 giờ, sau đó ngâm trong nước lạnh cho nguội. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 - 20ml.
Ngoài vị thuốc củ Ba kích tím tươi, Ba kich tím phơi khô có thể chế biến như món ăn - bài thuốc chữa bệnh:
30g Ba kích tím, 1 cái bong bóng (bàng quang) lợn. Làm sạch bong bóng lợn, sau đó nhồi ba kích vào, hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày. Ăn có tác dụng bổ thận, trợ dương, dùng chữa tiểu tiện nhiều lần, nhất là vào ban đêm, sắc mặt trắng nhợt, thần khí khiếp nhược.
15g Ba kích tím , 2-3 bộ lòng gà. Cho lòng gà đã làm sạch, ba kích và nước vào nồi, nấu thành canh ăn có tác dụng bổ thận cố tinh, dùng để chữa di tinh và tảo tiết (xuất tinh sớm).
250g lòng lợn, 50g Ba kích tím. Nhồi ba kích vào lòng lợn đã làm sạch. Để vào bát sứ, cho thêm hành, gừng, muối, gia vị và lượng nước thích hợp, hầm cách thủy cho chín, ngày ăn một lần, ăn liên tục trong nhiều ngày. Bài thuốc có tác dụng ôn bổ thận dương, dùng để chữa sa dạ dày, sa tử cung.
Đặc biệt không thể không kể đến phương thuốc “củ Ba kích tím ngâm rượu”. Theo các bài thuốc đông y và kinh nghiệm dân gian thì đây vẫn là một phương thức bào chế tối ưu có thể phát huy được công dụng tráng dương khí mà đẩy tà khí, cường cân cốt, an ngũ tạng, bổ trung, tăng chí, ích khí; cường âm.
Ba kích tím ngâm rượu: Dùng 100g rễ Ba kích tím (bỏ lõi), 40g thục địa, 30g kỷ tử, 10g bổ cốt chi, 20g cam cúc hoa, ngâm với 2 lít rượu trắng (loại tốt) trong ít nhất một tháng. Hằng ngày, có thể uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén khoảng 20 - 30 ml, bồi bổ sức khỏe.
Các Sản phẩm từ Ba kích tím
Mặc dù tác dụng của Ba kích tím là không phải bàn cãi. Tuy nhiên hiện nay, các chế phẩm sản xuất từ vị thuốc này vẫn còn khá ít trên thị trường. Việc chế biến vị thuốc vẫn chủ yếu dựa vào các bài thuốc đông y và kinh nghiệm dân gian. Hiện nay sản phẩm chính từ củ Ba kích tím có mặt trên thị trường là Ba kích tím sấy khô và Ba kích tím ngâm rượu (được sản xuất bởi công ty công ty cổ phần Yến Ngọc tổ 11 khu 9 phường Bãi Cháy Tp. Hạ Long - Quảng Ninh). Mặc dù, theo khuyến cáo Ba kích tím ngâm rượu chỉ là sản phẩm chức năng, không phải là thuốc chưa bệnh, nhưng hiện nay ở một số nơi Ba kích tím ngâm rượu đã bị làm giả. Chính vì vậy, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khách hàng nên tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy.
(Theo nguoihanoi.com.vn)