Về làng quan họ Trung Đồng - Việt Yên
Làng Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nằm ở bên bờ Bắc Sông Cầu, dưới chân dãy Nham Biền. Nơi đây đã từng có vị trí chiến lược quan trọng của phòng tuyến Sông Như Nguyệt trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược phương Bắc chặn giặc ngoại xâm trước khi chúng tiến vào kinh đô Thăng Long Hà Nội. Ngày nay, khi có khu công nghiệp Quang Châu trên địa bàn huyện Việt Yên liền kề, Trung Đồng là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các địa phương vùng phụ cận và cả nước.
Ông Vũ Văn Đài Trưởng thôn cho chúng tôi biết: các cụ cao niên trong làng truyền lại: Với vị trí “đắc địa” cả trong thời chiến cũng như thời bình, Trung Đồng đã được cư dân Việt đến đây khai phá từ lâu đời. Bà con có nguồn gốc ở Quả Cảm, Bắc Ninh. Vào thời Trần, bà Hoàng Phi vợ vua Trần Anh Tông đã tâu với vua xin cho khai hoang lập ấp ở đây. Từ đó những ngươì đầu tiên theo bà Chúa Hoàng Phi đến khai phá đất hoang và đã lập lên làng Trung Đồng ngày nay. Cội nguồn ban đầu mới chỉ có bà con dòng họ Nguyễn, họ Trần, họ Ngô, họ Hoắc... Và Trung Đồng trở thành một làng cổ bên bờ sông Cầu từ đó.
Ông Nguyễn Văn Nhượng Ban mặt trận khu dân cư Trung Đồng cho biết: “Từ xưa làng đã chia thành 2 giáp Đông và Đoài. Giáp phân chia theo dòng họ là Trần và Hoắc. Sau này giáp Đông có thêm họ Nguyễn Hữu, giáp Đoài có thêm họ Ngô và họ Vũ. Việc phân chia theo giáp là để hàng năm một giáp đứng ra đăng cai cắt cử người trông nom việc làng như: quyết định việc đình đám, cử người làm chủ tế, việc ăn uống sinh hoạt, lo việc sự lệ…, nhưng các thành viên của hai giáp Đông và Đoài vẫn ở xen kẽ với nhau chứ không ở theo xóm tách biệt như một số địa phương khác”. Vào rằm tháng tám âm lịch là ngày sinh và mùng 10 tháng Giêng là ngày giỗ của Bà Chúa hàng năm, dân làng mở hội và tổ chức rước Bà từ Nghè về Đình tế lễ. Sau 3 ngày, lại rước Bà Chúa từ Đình về Nghè. Trong những ngày hội, Trung Đồng có tổ chức đấu vật, đánh cờ người và các phường trò biểu diễn tiêu biểu…Song không thể thiếu được việc tổ chức hát quan họ ở quê hương.
Cụ Hoắc Công Tào người cao tuổi của làng năm nay đã 90 tuổi kể lại: “Từ xa xưa, ở Trung Đồng đã có nhiều thế hệ “nghệ nhân” tiếp nối nhau hát quan họ. Lúc nhỏ ông đã thấy các ông, bà, bố mẹ và người trong làng đi hát. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các cụ trong làng vẫn còn đi hát bọn, hát thi giao lưu ở các hội làng trong huyện và cả hội làng Diềm, làng Chấp tỉnh Bắc Ninh... Các cụ cao niên còn nhớ lớp các cụ bà đã qua đời nổi tiếng hát hay như bà Bánh, bà Hẹn, bà Binh, bà Đà... Đặc biệt là bà Bánh nổi tiếng vì “biết đủ lối, thuộc đủ câu” quan họ. Lớp người cao tuổi kế tiếp đang ở độ tuổi 78-80 như Bà Hoàng Thị Ngoan, Vũ Thị Sáu, Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Thị Trướng, Vũ Thị Thiểm…đang là những người gánh nặng trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những làn điệu dân ca quan họ cho làng”. Ông Hoắc Công Chờ “Liền anh” quan họ Trung Đồng cho biết: “Từ khi quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, các “liền anh liền chị” yêu thích quan họ ở Trung Đồng rất vui, các thế hệ kế tiếp như bà Vũ Thị Hường, Hoàng Thị Mát, Hoàng Thị Ấn, Hoàng Thị Kiếm…ngày đêm hăng say hát quan họ và đào tạo thế hệ con cháu có mong ước trở thành nghệ nhân hát quan họ mai sau. Cháu Hoàng Công Trương, Hoàng Thị Huệ, Nguyễn Thị Oanh, Hoàng Đại Dương… giờ vẫn đang ở tuổi thanh thiếu niên nhưng đã thể hiện xứng đáng giọng ca quan họ của làng khi tham gia giao lưu với các địa phương xung quanh trong huyện và tỉnh bạn....
Lớp người cao tuổi ở làng Trung Đồng hiện nay có ông Hoắc Công Chờ đã ở độ tuổi ngoài 75 nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, ông hát được rất nhiều làn điệu quan họ theo lối cổ. Từ năm 1964, ông đã dạy hát quan họ cho nhiều người của làng, trong xã cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài những bài hát học được từ lúc còn nhỏ, ông Hoắc Công Chờ còn sưu tầm được nhiều bài quan họ cổ lưu giữ trong vùng, và qua thực tế hát quan họ ở các hội làng bên bờ Nam sông Cầu. Ông Vũ Văn Đài trưởng thôn cho biết: Làng Trung Đồng tuy còn nghèo nhưng vẫn duy trì và tham gia Liên hoan tiếng hát quan họ đều đặn hàng năm khi huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Về làng quan họ Trung Đồng, chúng tôi còn được nghe kể lại và tận mắt chứng kiến hát quan họ còn mang đậm nét những lời ca quan họ cổ trong mỗi dịp lễ hội. Đó là giao lưu tiếng hát quan họ giữa làng Lẫm, làng Hạ xã Vạn An, Yên Phong, Bắc Ninh - nơi địa phương có quan hệ kết chạ anh em từ xa xưa. Mối tình huynh đệ ấy đã làm cho câu hát quan họ ở Trung Đồng luôn được chắp cánh bay cao hơn và xa hơn.
Các thế hệ hát quan họ ở Trung Đồng, Vân Trung, Việt Yên hôm nay nguyện phấn đấu để xứng đáng với nét đẹp văn hoá quan họ cổ bên bờ Bắc Sông Cầu.
Các thế hệ ở làng Trung Đồng, Vân Trung, Việt Yên tham gia bảo tồn di sản văn hoá bờ Bắc Sông Cầu
Buổi luyện tập các làn điệu quan họ cổ ở làng
Tuổi thơ quan họ ở Làng Trung Đồng
Hoàng Thương Biên tập
Bạn vui lòng chia sẻ bài viết để mọi người cùng biết nếu thấy có ích:
Để đảm bảo rượu dùng ngâm thuốc được tốt và đảm bảo chất lượng nhất. Quý khách hàng có thể tham khảo và lựa chọn rượu nếp trắng từ 40 đến 50 độ sao cho thích hợp. Thông tin chi tiết vui lòng
Click xem ở đây