Nơi "ngăn sông cấm chợ" kết hôn để giữ nghề "mỹ tửu"
Làng Vân, xã Vân Hà, (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xưa nay nức tiếng với men rượu khiến ai đã một lần nếm là một lần muốn say, say trong thứ men ngất ngây nồng nàn của cả tình đất và người miền quan họ.
Để giữ được thứ men độc đáo ấy, chùa Dộc làng Vân ngày nay vẫn lưu giữ một lời thề từ khi bà thánh sư truyền nghề đến cả mấy trăm năm: Trai gái trong làng không được kết duyên với người làng khác.
Lời Miêng Thệ ngày thụ tử
Làng Vân như một bán đảo với ba mặt là con sông Cầu uốn lượn bao quanh, chỉ còn một lối đường bộ duy nhất men theo Tiên Lát đi ra hướng Việt Yên. Nhưng họa hoằn lắm người dân mới chọn đường này để đi vì lối đi quanh co, ngoằn ngoèo, khó nhớ. Người làng Vân xưa nay và cả khách thập phương tìm đến với làng đều theo thói quen rẽ lối TP. Bắc Ninh, đi qua một trong ba bến đò ngang là có thể chạm đất Vân Hương Mỹ Tửu, tiết kiệm quãng đường mấy chục cây số nếu đi miết theo quốc lộ 1A cũ, hướng từ Việt Yên vào.
Ông Nguyễn Văn Bản trước ngôi chùa có lưu truyền lời thề giữ nghề của làng Vân
Người làng Vân xưa và cho đến cả bây giờ, từ đứa trẻ con bi bô biết đọc dăm ba chữ là đã thuộc nằm lòng truyền thuyết về thánh sư dạy nghề nấu rượu cho cha ông mình. Tương truyền từ thời thượng cổ, bà Nghi Điệt có chồng là Vũ Vương nổi tiếng nghiện rượu. Bản thân ông không thể làm bất cứ việc gì, nếu như không có chén rượu kề môi trong một ngày.
Yêu chồng, bà Nghi đã trực tiếp đi nhiều nơi, mày mò nhiều ngày tháng và tìm được một công thức nấu rượu độc đáo. Rượu ủ xong đem chồng uống, Vũ Vương gật đầu khen nức nở. Bà Nghi Điệt cảm thấy vô cùng hạnh phúc và khi ghé chân đến mảnh đất vạn đê bị nước sông lấn bờ ngập làng đến cả mấy tháng, người dân vì thế mà thành ra chịu cảnh đói nghèo. Bà Nghi thương tình đã mang bí quyết ủ men rượu độc đáo mà mình tìm ra để truyền dạy cho dân làng có nghề làm ăn sinh sống. Người làng Vân thông minh chịu thương chịu khó, chẳng mấy chốc đã luyện thành công bí quyết nấu rượu ngon của bà và từ đó tôn bà làm thánh sư.
Cũng theo ngọc phả của làng chép lại, vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703), đời vua Lê Hy Tông đã từng có sắc phong cho Thành Hoàng làng Vân là Thượng Đẳng Thần. Khi các bô lão trong làng được cắt cử vào kinh rước sắc về đã tạ ơn vua bằng việc đem dâng vào cung ba vò rượu thượng hạng do chính người dân trong làng nấu. Vua ban cho văn võ bá quan trong triều thưởng thức, ai cũng thấy thơm ngon đặc biệt và khen ngợi hết lời. Nhà vua thấy vậy thì hể hả lắm, lấy ngay bút phê bốn chữ "Vân Hương Mỹ Tửu". Đó là một thương hiệu đáng tự hào của làng nghề từ đó cho đến bây giờ.
Cảm cái ơn bà Nghi Điệt truyền dạy nghề và cũng là để giữ được bản quyền riêng của thương hiệu Vân Hương Mỹ Tửu, người dân làng Vân đã cùng nhau lập chùa thờ thánh sư và tổ chức tục ăn thề (gọi là lễ Miêng Thệ). Lễ được tổ chức trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng để răn con cháu đời đời giữ gìn bí quyết tổ truyền, không được mang nghề ra thiên hạ để không bị mất nghề và giữ được thương hiệu đến muôn đời.
Theo tục Miêng Thệ, hàng năm, các cụ cao niên trong làng sẽ chọn ra một ngày xấu nhất của tháng Giêng để tổ chức tục ăn thề (gọi là ngày thụ tử - PV). Họ quan niệm, vào ngày xấu nhất, lời thề sẽ được coi là thề độc và không ai dám vi phạm mà làm trái. Bốn cụ thượng thọ có uy tín của bốn giáp trong làng cùng những người được coi là có chức sắc sẽ là đại diện làm chủ lễ chứng nhận cho lời thề. Lễ vật không quá cầu kỳ, gồm một bình rượu tăm và một con gà trống trắng chưa đạp mái, cùng một cơi trầu, bát nước trắng múc từ giếng Ngọc cạnh chùa.
Lời Miêng Thệ được đọc bởi người cao tuổi nhất, giữ uy tín nhất ở làng. Những người tham gia ăn thề đứng bốn bên xung quanh, nghiêm trang lắng tai nghe đón và nhẩm theo lời thề thánh. Sau khi đọc xong lời thề độc, rượu trong vò được đổ ra thau sạch, gà được chặt đầu, nhỏ tiết xuống thau rượu. Người trong làng là đại diện của mỗi gia đình cứ thế đi vòng quanh thau rượu dùng chén múc uống cho đến khi hết lượt người và cạn rượu thì ai về nhà nấy.
Tục kết hôn "nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Lễ Miêng Thệ diễn ra nhanh chóng, nghiêm trang và từ trong ý thức của mỗi người làng Vân đều dặn mình không bao giờ truyền nghề cho bất cứ ai ngoài làng. Nếu ai vi phạm vào lời thề này sẽ bị dân làng Vân cắt đứt mọi mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, khi gia đình có việc tang ma không ai đến hỏi thăm, có việc cưới xin cũng không ai đến chung vui. Do đó, bí quyết nấu rượu làng Vân cho đến nay chỉ có người làng Vân mới thông tỏ. Nhiều người bây giờ có thể biết đến rượu làng Vân đặc biệt ở thứ men tổng hợp từ 30 đến 50 vị thuốc bắc hảo hạng. Thế nhưng, không một ai biết sao kê nguồn men qúy hiếm ấy, nếu không phải là người làng Vân chính gốc.
Để đảm bảo tính "độc quyền" trong thương hiệu làng nghề, người làng Vân còn giữ tục không cho con cái kết hôn với người thiên hạ. Họ quan niệm đã là nghề của thánh sư truyền dạy cho người làng thì chỉ có người làng mới biết. Vì thế, khi con cái lớn lên, họ nghiêm cấm việc tìm hiểu, giao lưu và kết hôn với người thiên hạ.
Bà Nguyễn Thị Sử (SN 1938), một trong những cao niên trong làng còn nhớ như nguyên: "Cái thời tôi còn trẻ, cứ hễ đi đâu sang làng khác là cha mẹ lại răn đe rằng cấm "phải lòng" ai vì lỡ chẳng may "phải lòng" thì gia đình cũng kiên quyết ngăn cấm cho bằng được, không thể để vi phạm lời thề với dân làng". Bởi vậy, người làng Vân trước đây "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trong việc kết hôn. Con trai, con gái trong làng cứ tìm nhau mà nên vợ nên chồng. Sau này, khi cuộc sống mới đổi thay, nhiều luật lệ đã có phần thoáng hơn trước nhưng người làng Vân vẫn giữ một lời thề ngầm với nhau rằng không truyền nghề cho con gái, chỉ truyền nghề cho con dâu. Họ sợ con gái lấy chồng sang làng khác lại mang nghề làng mình đi khắp nơi thì rượu làng Vân không còn thương hiệu nữa.
Ông Nguyễn Văn Bản (SN 1968), thủ từ chùa Dộc cho biết: "Chùa cổ có tên Quảng Lâm Tự, nay vẫn còn ba chữ cổ nguyên từ thời chùa mới được xây dựng. Tại ngôi chùa này, bao lớp người làng mấy trăm năm qua từ khi làng được thành lập đã chứng kiến lời thề "không đưa Tây về bắt rượu, không dắt cướp vào làng, không truyền nghề nấu rượu cho con gái".
Cũng bởi vậy mà chùa Dộc luôn được coi là linh hồn của rượu làng Vân. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, khắp cả vùng chỉ có duy nhất làng Vân biết đến nghề nấu rượu. Ngày nay, những làng xung quanh như Thổ Hà cũng mở nghề. Thế nhưng, riêng bí quyết của rượu làng Vân thì đến nay vẫn chỉ có con cháu làng Vân mới có thể biết được, đặc biệt chỉ có con trai và những người con dâu mới được cha mẹ truyền lại cho cách nấu rượu của ông cha. Tuy việc kết hôn đã có phần cởi mở hơn trước, nhưng người người, nhà nhà ở nơi đây vẫn ngầm mặc định với nhau không bao giờ dạy con gái cách nấu rượu".
Độc đáo kiến trúc "nhà thông nhà, ngõ thông ngõ"
Bên cạnh việc lưu truyền tục thề giữ bí quyết nấu rượu, làng Vân còn giữ được kiểu kiến trúc khá độc đáo, đó là kiến trúc nhà thông nhà, ngõ thông ngõ. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, khi bị giặc chiếm đóng, các cụ cao niên đã nghĩ ra việc xây nhà có những ngách nhỏ thông sang nhau. Nhờ những ngách nhỏ này mà người làng Vân nuôi cán bộ cách mạng không bao giờ bị bắt. Hoặc khi giặc Pháp vào làng lùng rượu để phạt người làng thì người làng sẽ theo những con ngách nhỏ sâu trong nhà mình để tìm cách mang rượu đi giấu.
"Chỉ cần rượu và người đi sâu vào trong bất cứ nhà ai là có lối thoát sang những nhà khác ra khỏi làng. Đây cũng là điều đã khiến lính Pháp không ít phen đau đầu khi tìm người để bắt", cụ Sử tự hào nhớ lại. Tuy ngày nay, khi sang sửa lại nhà, người dân làng Vân đã bịt các cửa thông sang nhau nhưng ngõ ngách trong làng thì vẫn chằng chịt, thông nhau như những giao thông hào mà nếu đến làng Vân lần đầu, chúng ta sẽ có cảm giác như đi vào một mê cung.
|
Dương Thu
Bạn vui lòng chia sẻ bài viết để mọi người cùng biết nếu thấy có ích:
Để đảm bảo rượu dùng ngâm thuốc được tốt và đảm bảo chất lượng nhất. Quý khách hàng có thể tham khảo và lựa chọn rượu nếp trắng từ 40 đến 50 độ sao cho thích hợp. Thông tin chi tiết vui lòng
Click xem ở đây